- Back to Home »
- cánh tuốc bin composite , năng lượng gió »
- Tín hiệu vui từ ngành công nghiệp điện gió
Với lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình nhiều đồi núi cao, đường bờ viển dài hơn 3000 km lại nằm trong khu vực gió mùa Đông Nam Á chi phối bởi hai nguồn gió chính về mùa đông và mùa hè, Việt Nam được đánh giá là Quốc gia rất có tiềm năng về năng lượng gió.
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Theo tính toán của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường: Với hơn 3.000km đường bờ biển và các đảo lớn nhỏ, tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá vào khoảng 24.000 MW (ở tốc độ gió 6-7 m/s). Tiềm năng này tương đương với tổng công suất của tất cả các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 48 dự án điện gió được đăng ký ở các giai đoạn khác nhau ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Miền Trung và Miền Nam với tổng công suất khoảng 5.000 MW, mỗi dự án có công suất từ 6 - 250MW. Cho đến nay, mới có 2 dự án điện gió lớn đã hoàn thành đầu tư giai đoạn một và đi vào hoạt động. Dự án đầu tiên nằm ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với công suất 30 MW, bao gồm 20 tuốc-bin 1,5 MW. Dự án điện gió thứ hai nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc tỉnh Bạc Liêu. Dự án này mới hoàn thành giai đoạn một với 10 tuốc-bin 1,6 MW.
Ngoài ra, phát triển năng lượng gió còn có tiềm năng quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bởi nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam, với hàng triệu tấn oxit nitơ, carbon dioxide và sulfur dioxide phát thải ra môi trường mỗi năm. Hơn nữa, phát triển năng lượng gió không chỉ cắt giảm khí thải nhà kính mà còn giảm ô nhiễm không khí, giúp cải thiện chất lượng môi trường một cách bền vững.
Rõ ràng, tương lai của ngành công nghiệp điện gió Việt Nam là rất lớn. Trước nguy cơ biến đối khí hậu toàn cầu, các cấp Bộ, ngành đang rất quan tâm đến chương trình hành động để phát triển nguồn năng lượng trời cho này. Bộ Công Thương cũng đã được ngân hàng GTZ của Đức giúp lập khung pháp lý cho điện gió và đã trình Chính phủ phê duyệt.
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng xem xét và trình Chính phủ phê duyệt đề án giá điện gió hòa lưới điện Quốc gia. Đây là cơ hội quan trọng giúp giải quyết những khó khăn mà các dự án điện gió gặp phải trong thời gian qua. Bên cạnh đó, với tiềm năng được các nhà khoa học đánh giá cao, điện gió Việt Nam đang là lĩnh vực được nhiều tổ chức trong và ngoài nước quan tâm và có kế hoạch đầu tư.